
Mục lục
Ngủ cùng người ngáy, nghiến răng, nói mớ và mắc các tật khi ngủ khác có thể là một cơn ác mộng trong cuộc sống của bạn. Thế nhưng, thực tế, có thể bản thân của bạn cũng đang mắc các tật này mà bạn chẳng hề hay biết. Hãy cùng Ru9 tìm hiểu 6 tật khi ngủ rất phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải cùng biểu hiện, tác hại và cách khắc phục để cải thiện giấc ngủ của bản thân và mọi người quanh bạn nhé.
1/ Ngáy:
Ngáy rất phổ biến và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính, đặc biệt là nam và người thừa cân. Ngáy gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của không chỉ riêng bạn mà còn cả những người xung quanh trong đêm.
Khi chúng ta ngủ, các cơ ở cổ họng sẽ thả lỏng, lưỡi cũng sẽ dịch chuyển về phía sau, do đó cổ họng sẽ hẹp hơn bình thường. Khi chúng ta hít thở, thành họng sẽ rung lên, tạo ra tiếng động khi thở. Cổ họng càng hẹp thì âm thanh này sẽ càng rõ hơn và tạo ra tiếng ngáy.
Các nguyên nhân dẫn đến ngáy bao gồm bất thường về cấu trúc đường hô hấp, các bệnh liên quan đến đường thở (dị ứng, viêm mũi, viêm họng…). Tuổi già cũng khiến các cơ bắp ở phần họng bị lão hóa nhanh và dẫn đến ngáy. Sử dụng rượu và thuốc giãn cơ vào buổi tối sẽ khiến tình trạng ngáy nghiêm trọng hơn. Người bị bệnh béo phì thường hay ngáy do các mô mỡ tụ nhiều ở phần cổ và gây hẹp đường thở.
Để cải thiện tình trạng này, bạn cần cải thiện lối sống, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, tập thể dục thường xuyên để tăng sức đề khánh, tránh bệnh béo phì. Nếu bạn thức giấc mỏi mệt, hay tỉnh giấc giữa đêm do ngáy, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn.
2/ Ngủ mở mắt
Thông thường, chúng ta thường không thể tự mình nhận biết được tật ngủ mở mắt của bản thân cho đến khi có người ngủ cùng. Nếu bạn thường xuyên thức giấc với đôi mắt khô, ráp, khó chịu và nhìn không rõ, rất có thể bạn đã ngủ mở mắt. Khi tiếp diễn kéo dài, mắt của bạn rất dễ bị tổn thương, nhiễm trùng, gây giảm thị lực và các bệnh về mắt khác.
Mí mắt khép lại về đêm khi chúng ta ngủ để bảo vệ mắt, bên dưới mí mắt sẽ có một lớp nước mắt mỏng, giữ ẩm mắt và loại bỏ bụi, vi khuẩn. Khi phần cơ giúp mí mắt khép lại yếu hoặc liệt do sẹo bỏng, phẫu thuật, vết thương, đột quỵ và một số bệnh khác, tình trạng mở mắt khi ngủ sẽ xảy ra.
Bạn nên đến gặp bác sĩ để có hướng cải thiện phù hợp nhất cho tình trạng của mình. Bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo hoặc thuốc mỡ tra mắt để bảo vệ mắt. Bạn cũng có thể tăng độ ẩm trong phòng ngủ để giúp mắt bớt khô.
3/ Nghiến răng:
Về cơ bản, nghiến răng không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu bạn nghiến răng thường xuyên trong thời gian dài, hàm và răng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều và có thể dẫn đến rối loạn khớp thái dương hàm, mòn bề mặt răng, mẻ răng hay thậm chí là yếu chân răng.
Khi chúng ta stress, tức giận hay đối mặt với cảm xúc tiêu cực, chúng ta dễ nghiến răng thường xuyên hơn. Ngoài ra, bất thường về hàm như răng bị lệch cũng gây ra tình trạng nghiến răng.
Bạn nên hạn chế hoặc cắt giảm những thức ăn, đồ uống có caffeine như cà phê, chocolate, tránh thức uống có cồn vì đồ uống chứa cồn sẽ khiến bạn nghiến răng nhiều hơn. Trước khi ngủ, hãy thả lỏng hàm bằng cách áp vải ấm và ẩm lên vị trí quai hàm gần phần tai.
4/ Tè dầm
Tè dầm khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng lại là một điều khá phiền toái ở người lớn. Đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe như: tắc nghẽn một phần tiết niệu do sỏi thận hay sỏi bàng quang, bàng quang nhỏ, tiểu đường, tiền liệt tuyến, do tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng đường tiết niệu, các rối loạn về thần kinh…
Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chuẩn đoán chính xác. Trước khi đến khám, bạn nên chuẩn bị một ghi chú với thông tin về số lần, lượng và các triệu chứng đi kèm với việc tè dầm để bác sĩ có cái nhìn tổng quát hơn.
5/ Chảy nước dãi
Đây là một trong những tật khi ngủ phổ biến khiến nhiều người rất ngại ngủ cùng người khác. Ngoài những phiền toái thường thấy, chảy nước dãi còn gây mất nước, khô vùng miệng, khô môi…
Một số nguyên nhân gây ra tật chảy dãi khi ngủ bao gồm tư thế ngủ sấp hoặc nằm nghiêng, đường thở bị tắc do cảm cúm, chứng ngưng thở khi ngủ khiến bạn thở bằng miệng khi ngủ, xoang bị nhiễm trùng, trào ngược dạ dày, viêm họng…
Bạn nên thay đổi tư thế ngủ, sử dụng gối và nệm nâng đỡ tốt để cổ và đầu được thoải mái, uống đủ nước để tuyến nước bọt không cần tăng tiết nước bọt. Ngoài ra, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và kê thuốc chữa các bệnh về đường hô hấp.
6/ Nói mớ
Cũng giống như tật ngủ ngáy, chúng ta thường không thể tự biết mình nói mớ trong khi ngủ. Mỗi người sẽ có biểu hiện khác nhau, bạn có thể nói vài chữ, nhiều câu hoặc nói không rõ chữ hay thậm chí là nói bằng một ngôn ngữ khác. Nói mớ có thể xảy ra ở tất cả mọi người, trong đó tỉ lệ nam và trẻ nhỏ mắc tật này cao hơn.
Nguyên nhân nói mớ thường liên quan đến các vấn đề về tâm lý, căng thẳng, cảm cúm, thiếu ngủ, sử dụng rượu bia… Những người có tiền sử mắc chứng ngưng thở khi ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, mộng du cũng có nguy cơ bị nói mớ cao hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của chứng nói mớ vẫn chưa được xác định.
Nhìn chung, nói mớ là một tật vô hại đến sức khỏe bản thân bạn, nhưng lại gây ảnh hưởng đến người ngủ cùng. Bạn nên thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, hạn chế sử dụng rượu bia để cải thiện tình trạng này. Bên cạnh đó, bạn có thể khuyến khích người ngủ cùng đeo bịt tai khi ngủ. Nếu bạn quá căng thẳng và nói mớ liên tục, bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Hy vọng những thông tin sẽ giúp bạn và người thân luôn ngủ thật yên và thật khỏe!
Nguồn: Sleep Foundation, Medical News Today, Healthline, Sleep Advisor
Author:
Anh NinhShare This Article:
Bài viết liên quan

Tiết lộ tư thế ngủ của cặp vợ chồng hạnh phúc có thể bạn chưa biết

Bật mí tư thế ngủ của người đàn ông yêu vợ nhất trên đời

Làm thế nào để không bị tràn băng khi ngủ?

Bật mí ngủ trước 11h có tăng chiều cao không?

Ngủ trưa có tăng chiều cao không? Tư thế ngủ tăng chiều cao tốt nhất
